Việc chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, bình
đẳng hơn và nhân ái hơn luôn là đích đến của nhân loại. Chính vì vậy, những tổ
chức từ thiện và nhân đạo đã ra đời và hoạt động lâu năm.
Phân biệt NGOs, INGOs và GONGOs
Tổ chức phi chính phủ
(Non-Governmental Organizations, gọi tắt là NGOs) đã tồn tại hàng trăm năm trên
thế giới dưới nhiều dạng khác nhau. Nguồn gốc xa xưa của NGOs vốn là những nhóm
nhỏ làm từ thiện. Tiêu chí hoạt động của các tổ chức này là cứu trợ nhân đạo
đối với nạn nhân chiến tranh, thiên tai và nghèo đói, không phân biệt chính
kiến và địa dư. Cho tới nay trên thế giới, các nước có quan điểm khác nhau về
phân loại và định nghĩa về NGOs.
Theo định nghĩa của
Liên hợp quốc, các NGOs là bất kỳ tổ chức quốc tế nào được lập ra không phải do
một thoả thuận liên chính phủ quốc tế, nhưng NGOs đó có thể bao gồm các tổ chức
có thành viên do chính phủ cử ra, với điều kiện thành viên đó không được can
thiệp vào quyền tự do bày tỏ ý kiến của tổ chức đó.
Có thể rút ra đặc
điểm chung của loại hình tổ chức này là được thành lập một cách tự nguyện và
hợp pháp, không thuộc bộ mày hành chính nhà nước và không nhằm mục đích lợi
nhuận.
Có ba loại NGOs
hiện đang hoạt động trên thế giới:
+ Tổ chức phi chính
phủ mang tính chất quốc gia;
+ Tổ chức phi chính
phủ mang tính chất quốc tế;
+ Tổ chức phi chính
phủ mang tính chất chính phủ;
Các tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc tế (International Non-Governmental Organizations, gọi tắt là INGOs) là tổ
chức mà các thành viên của nó mang nhiều quốc tịch khác nhau sáng lập ra. Về số
lượng, INGOs ít hơn nhiều so với NNGOs. Phạm vi hoạt động của INGOs rộng khắp
trên thế giới, nhưng INGOs phải tuân theo luật pháp của nước nhận sự hợp tác.
Các tổ chức phi chính phủ mang tính chất chính phủ (Governmental Non-Governmental Organizations, gọi tắt là GONGOs) là các
tổ chức do chính phủ lập ra hoặc một NGO nào đó hoàn toàn phụ thuộc vào ngân
sách của chính phủ. Ví dụ: Chương trình phát triển DED của Đức; SNV của Hà Lan
đang có chương trình viện trợ cho Việt
Nam.
VN và các tổ chức phi chính phủ
Các Tổ chức phi
chính phủ nước ngoài đã vào Việt Nam từ nhiều thập kỷ qua, gắn liền với những
giai đoạn lịch sử cụ thể của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Trước tháng
5/1975, giai đoạn này có khoảng 63 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động
tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ này hoạt động tại miền Nam. Miền Bắc
nhận sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa thông qua nhiều Hội hữu nghị khác
nhau. Năm 1965 viện trợ cho nhân dân Việt Nam bị thiệt hại từ chiến tranh đã
tăng lên từ các nước phương Tây và một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đã
gởi nhiều chuyến hàng viện trợ cho những vùng thiệt hại bị ném bom.
Từ năm 1975 đến
1979, hầu hết các cơ quan phi chính phủ đã đóng cửa văn phòng, rút các nhân
viên người nước ngoài về nước do lệnh cấm vận. Đến năm 1979 một số tổ chức phi
chính phủ nước ngoài có văn phòng ở Thái
Lan, Lào đã nối lại viện trợ nhân đạo, cứu trợ cho Việt Nam. Sau năm 1979, Bộ
Tài chính lập ban tiếp nhận viện trợ để tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận viện
trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Từ năm 1980, Việt
Nam bắt đầu mở rộng quan hệ quốc tế, thực hiện chính sách đổi mới, phá vỡ sự
bao vây cấm vận. thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội mới cho các tổ chức phi chính
phủ nước ngoài giúp đỡ Việt Nam. Nhiều Tổ chức phi chính phủ đã cử đại diện đến
Việt Nam. Năm 1989 Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các
Tổ chức Hữu nghị Việt Nam được thành lập để làm đầu mối cho các tổ chức phi
chính phủ nước ngoài hoạt động.
Năm 1990 Chính phủ
Việt Nam đã cho phép một số tổ chức: Action ATD, care Quốc tế, MCC, OxfamBỉ và
các tổ chức Oxfam Anh và tổ chức NARV mở văn phòng đại diện ở Hà Nội và tích
cực động viên các tổ chức phi chính phủ nước ngoài khác vào Việt Nam.
Năm 1996 Ủy ban
công tác về các tổ chức phi chính phủ được thành lập theo Quyết định 340/TTg
ngày 24/05/1996 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Cụm từ phi chính phủ được phổ
biến rộng rãi từ thời gian này.
Hiệu quả hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước
ngoài tại VN
Kể từ năm 1986, nhờ
chính sách Đổi mới của Nhà nước ta và chủ trương về hội nhập quốc tế, nâng cao
hiệu quả hợp tác với các tổ chức NGO quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường
sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân các nước. Nhờ
đó, các tổ chức NGO nước ngoài có quan hệ với ta tăng lên và giá trị viện trợ
tăng dần. Chỉ riêng trong giai đoạn 1986 – 1992, VN có từ 70 đến 100 tổ chức
NGO với tổng giá trị viện trợ khoảng 20-30 triệu đô la Mỹ/ năm
Trong hơn 10 năm,
1994-2006, số lượng các tổ chức có quan hệ với Việt Nam đã tăng gấp 3 lần,. Từ
210 tổ chức vào năm 1994 lên khoảng 650 tổ chức vào năm 2006. Trong số đó, có
trên 500 tổ chức có hoạt động thường xuyên, có dự án và đối tác Việt Nam. Giá
trị viện trợ năm 1993 là 40 triệu đô la Mỹ, đến năm 2002 là 85 triệu đô la Mỹ,
năm 2004 là 140 triệu USD, năm 2005 là 175 triệu USD, năm 2006 là 217 triệu
USD.
Sự trợ giúp của NGOs nước ngoài không chỉ là
viện trợ vật chất mà bao gồm cả chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao
dân trí, chăm sóc y tế, phổ cập giáo dục..., và thông qua viện trợ, quan hệ của
nước ta đối với các NGOs nước ngoài làm cho nhân dân thế giới hiểu biết hơn về
Việt Nam, góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta và nhân
dân các nước trên thế giới.
Đơn cử riêng tỉnh
Hải Dương, tính đến hết tháng 6/2013, có 13 dự án của 9 tổ chức PCPNN tài trợ;
viện trợ chủ yếu cho các lĩnh vực: Phòng chống HIV/AIDS, dạy nghề cho phụ nữ
nghèo, cấp học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cung cấp trang thiết bị
hỗ trợ vận động cho đối tượng khuyết tật, chăm sóc mắt cộng đồng v.v... Tổng
giá trị viện trợ đạt: 425,904 đô la Mỹ.
Tính đến cuối năm
2013, riêng TP.HCM có 142 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp phép hoạt
động (tăng 7 đơn vị so với năm 2012). Phần lớn các tổ chức đến từ khu vực châu
Mỹ (60 tổ chức) và châu Âu (51 tổ chức); châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 31 tổ
chức. TP.HCM tiếp nhận 175 khoản viện trợ trị giá gần 42,4 triệu USD (tăng 77%
so với cùng kỳ năm 2012), gồm 8 chương trình, dự án với tổng giá trị hơn 4
triệu USD và 167 khoản viện trợ phi dự án với tổng giá trị gần 38.4 USD.
Thành tựu giảm
nghèo ngoạn mục của VN từ 58% năm 1997 xuống còn 12% năm 2010 chắc chắn phải có
sự giúp sức của khoảng 900 INGOs và các văn phòng dự án.
- Thúy
Quỳnh
0 Nhận xét