Sau nhiều năm cố
gắng và quyết tâm đến cùng, về cơ bản Ngân hàng Nhà Nước có thể yên tâm về vị
trí của tiền đồng trong mọi giao dịch trong nước.
Ôm vàng mà chết?!
Ngày Tết tình cờ đi
ngang con đường Hùng Vương – Quận 5 – TP.HCM, dãy nhà nổi tiếng là khu buôn bán
kim khí điện máy vào những năm cuối thập niên 80 và đầu 90. Lúc bấy giờ, chỉ
riêng tiền thuê mặt bằng để buôn bán những món hàng điện tử gia dụng như máy
sấy, quạt máy, bàn ủi, nồi cơm điện... đã có giá từ 6 chỉ vàng đến 1 lượng/
tháng. Người ta bán kiểu gì mà lời đến mức có tiền trả tiền nhà như vậy? Câu
trả lời rất đơn giản, nhà nước không bán – không nhập hoặc xiết rất chặt mặt
hàng được cho là xa xỉ này. Người mua nhiều, kẻ bán ít, hàng quá khan hiếm. Giá
do người bán quyết định. Ai có hàng là có thể ra giá hoặc... vô giá!
Thời hoàng kim đó
cũng nhanh qua khi nền kinh tế mở cửa, hàng điện máy ùn ùn đổ vào các trung tâm
thương mại, siêu thị mọc lên như nấm. Bây giờ, mua một cái quạt điều khiển từ
xa hiện đại nhất của Nhật giá khoảng 1,2 triệu đồng, gần gần với mệnh giá tiền
ngày trước nhưng tính ra vàng chỉ khoảng 1/3. Có thể so sánh, sau gần 3 thập
kỉ, tiền đồng trượt và vàng tăng giá hay vì cơ chế của nền kinh tế hội nhập đã
làm giá trị quy chiếu thay đổi?
Qua nhiều biến động
của vàng trong nước và các chính sách, đến nay vàng trong nước đang bị dồn vào
góc tường và đối xử khá tệ bạc so với những gì trước đây nó đã có và vẫn đang
có trên thế giới. Tâm lý mua vàng để tích trữ cũng có lãi khi gửi ngân hàng đã
chuyển dần sang tiền USD hoặc tiền VND. Trước tất cả sự nghi ngờ và lo ngại
xung quanh việc độc quyền nhập khẩu – xuất khẩu vàng miếng, chênh lệch giá vàng
trong nước và thế giới cho đến việc tất toán vàng ở các ngân hàng thương mại,
gửi vàng phải trả phí... NHNN kiên quyết chứng tỏ rằng giữ vàng bên mình chỉ có
lỗ và không lời. Vàng, vô hình trở thành vật chỉ để... phòng thân. Vì vậy thủ
càng ít càng khỏe và chỉ có những kẻ yếu bóng vía mới thủ vàng?!
Để đạt được thành
quả đó, NHNN đã tích cực trong việc bơm liên tục ra thị trường 76 phiên đấu thầu vàng với hơn 70 tấn vàng để
“dập” bằng mọi cách cơn khát vàng trong doanh nghiệp và người dân. Kết quả,
trong năm 2013, giá vàng giảm hơn 10 triệu đồng/lượng, đủ để người cần hết khát
và những kẻ muốn tích trữ vàng hết hy vọng lướt sóng hay đầu cơ. Cú sốc trượt
giá này cũng ngang bằng những cú đại nhảy vọt của vàng 5 năm trở lại đây, dù
chưa thể đưa vàng về thời kì... đồ đá như tiền USD của những năm 1980-1990.
Quyết tâm bình ổn
thị trường vàng theo phương pháp một trứng chọi đá thì trứng vỡ nhưng 70 tấn
trứng chọi đá, rõ rồi, đá cũng phải nhũn thành bùn! Sức mạnh của 70 tấn vàng đã
thật sự có kết quả nhưng lâu dài hay không còn phải chờ vào sức ảnh hưởng của
tiền USD. Bởi vì, tâm lý chung người dân lẫn các doanh nghiệp đều muốn quy
chiếu tiền VND ra giá trị khác vì nỗi lo trượt giá, mất giá luôn là sự thật.
Thử hỏi tiền Việt đang mất giá hơn tiền Campuchia, ai có chút tiền chẳng phập
phồng lo lắng?!
Hoảng sợ khi giữ tiền USD
Đối với các doanh
nghiệp có hoạt động với nước ngoài luôn phải cân nhắc và quy chiếu một khoảng
nào đó qua tiền USD để sử dụng thường xuyên hoặc tích trữ bình ổn cho chính
mình. Bởi vì ít nhất họ có thể tự bình ổn hàng hóa của mình với các khách hàng
trong nước từ 3-6 tháng. Tránh việc tăng giá bất ngờ do sự trồi sụt tỷ giá tiền
VND và tiền USD như chong chóng. Đặc biệt, tâm lý giữ USD càng tăng cao khi
vàng đã bị hạ knock-out trong năm 2013.
Thế nhưng, người
giữ USD cũng không khỏi bàng hoàng trước những biến động năm 2013 của tình hình
nội chính Mỹ. Có ai tưởng tượng được một cường quốc như Mỹ, với tiền USD được
lưu trữ chỉ tính riêng châu Á khoảng 7.000 tỉ, lại đóng cửa chính phủ? Nếu nước
Mỹ “sập” tài chính, 7.000 tỉ USD của châu Á nói riêng và hàng triệu công ty
khác ở châu Á cũng đang nắm giữ lượng USD khủng để giao dịch và chống tiền
trong nước trượt giá, như tiền VND chẳng hạn, sẽ ra sao? Thật sự bàng hoàng
giấc mộng Mỹ!
Đây là cái tát quá
lớn vào thói hống hách của các nước đang trở thành chủ nợ của Mỹ như Trung Quốc
và Nhật Bản. Ngay sau đó, hai ông chủ nợ này cùng nhiều quốc gia khác lặng lẽ
giao dịch ngầm với hy vọng bán đổ bán tháo được ít nhiều nợ cho chính con nợ
của mình. Và như thế, con nợ có quyền định giá khả năng trả nợ hoặc có thể...
xù luôn. Rõ ràng trong cuộc tình này dù đúng dù sai, Mỹ vẫn hả hê vì đã dằn mặt
các nước khác qua bài học “tiền của anh nhưng là vấn đề quá lớn đối với các em”
như lời khẳng định của cựu Bộ trưởng Tài chính John Connally từ thời tổng thống
Nixon.
Đêm dài lắm mộng với tiền VND
Nhờ “lấy trứng chọi
đá” NHNN mà bình ổn được vàng cùng bài học giữ USD chẳng có ý nghĩa gì nếu nước
Mỹ có biến động phần nào đó đã góp vào việc cứu lấy tiền VND. Thống đốc Nguyễn
Văn Bình vui mừng tuyên bố: “Hai năm qua, những ai có tiền gửi ngân hàng bằng
tiền đồng VN, đều có lãi an toàn”.
Trong hai năm qua,
trước tình hình kinh tế khó khăn, bài toán hòa vốn và đủ tiền nuôi nhân công
của các công ty đang bắt đầu được tính toán bằng việc có nên rút hết vốn về, sa
thải nhân công và đem tiền gửi ngân hàng lấy lời không? Đây không còn là câu
chuyện của những công ty nhỏ lẻ hay cá nhân đầu tư lướt sóng vì họ đã làm rồi mà
cả sếp của các công ty và tập đoàn lớn cũng bắt đầu lo lắng.
Nếu việc rút vốn
gửi ngân hàng lấy lời diễn ra vào những năm có lãi suất khủng đã tạo nên một
siêu lừa Huyền Như hay vay tiền mua đất khi đất sốt, còn thể hiểu được. Hai năm
qua lãi suất đã bị ép đến độ có ngân hàng chỉ còn 5-10%, gửi tiền VND vào ngân
hàng để làm gì? Nếu các công ty và cá nhân chấp nhận từ 5-10% lãi suất điều này
cũng có nghĩa, khó hoạt động kinh doanh buôn bán phát triển. Bởi làm cái gì
cũng lỗ, buôn cái gì cũng không lời hơn 15-20%, thôi thì gửi ngân hàng cho an
toàn. Một nền kinh tế lười biếng và không muốn vận động chẳng khác nào quay trở
về giai đoạn trước khi gia nhập WTO. Tâm lý an phận và tìm chỗ ăn lương công
nhật là ác mộng của bất cứ nền kinh tế nào.
Muốn bình ổn tiền
VND lâu dài và hiệu quả lại phải nói đến câu chuyện cung-cầu của thị trường, các
hệ quy chiếu đầu tư sinh lời khác như bất động sản và chứng khoán, cán cân
thương mại giữa các nước – các ngành và đặc biệt cần có sự sàng lọc cũng như
luôn dành cửa cho các nhà đầu tư trong nước chứ không nên mở cửa cho các nhà
đầu tư nước ngoài nhảy vào quá nhiều cùng nhiều tác động khác. Mà những tác
động trên đang nằm ngoài tầm với của NHNN, rải rác các bộ ban ngành đều có
quyền quyết định và hiện thực hóa như nhau.
Tạm thời đến thời
điểm này, tiền VND đã được bảo vệ khá tốt nhưng phải giữ vững ngai vương lâu
bền mới tạo dựng được niềm tin. Tiền VND trong năm 2014 giống như ngọn đèn
trước gió, muốn giữ lửa khỏi tắt, người giữ lửa cũng không được hắt hơi.
- Thanh
Chung
0 Nhận xét